Tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác trong 2 tháng trở lại đây, tình hình dịch COVID-19 đang trở nên căng thẳng hơn với số ca bệnh tăng nhanh chóng và mất dấu F0. Tính tới sáng ngày 03/07/2021, cả nước có hơn 18000 ca mắc. Số bệnh nhân tại TPHCM tăng 215 người chỉ trong 1 đêm và tổng số ca mắc đã đạt gần 5000 người. Nhận thấy lệnh giãn cách chỉ mang tính chất tạm thời, chính quyền thành phố quyết định mở chiến dịch xét nghiệm toàn dân khẩn cấp để phân loại các ca nhiễm sơ bộ. Các nơi được ưu tiên xét nghiệm trước tiên là những khu chung cư, khu dân cư, các khu công ty và nhà máy phức hợp.
I. Phân loại xét nghiệm COVID-19
Hiện nay, có 2 loại test COVID-19 là xét nghiệm chẩn đoán (diagnostic test) và xét nghiệm sàng lọc (screening test). Một vài tính chất đặc trưng của 2 loại xét nghiệm như sau:
– Xét nghiệm Phản ứng chuỗi polyme (Polymerase Chain Reaction-PCR): có tính chất là xét nghiệm chẩn đoán. Xét nghiệm PCR có thể xác nhận là người đó có thực sự bị nhiễm COVID-19 hay không. Đặc trưng của xét nghiệm PCR là thời gian trả kết quả khi thực hiện PCR khá lâu, nhưng PCR có độ nhạy cao và cho kết quả chính xác hơn.
– Xét nghiệm Phát hiện nhanh kháng nguyên (Rapid Antigen Detection-RAD): có tính chất là xé nghiệm sàng lọc. RAD có khả năng nhận biết người đó có thể dương tính với virus hay không, từ đó giúp sàng lọc các trường hợp tiếp xúc gần và giảm thiểu mức độ lây lan của virus. RAD được sử dụng trong trường hợp cần xét nghiệm nhanh với số lượng lớn, điển hình như trong khu lao động và khu dân cư nhỏ. Tuy nhiên, xét nghiệm RAD có độ nhạy thấp hơn nên người được xét nghiệm vẫn có khả năng mắc COVID-19 khi xét nghiệm PCR dù đã có kết quả âm tính với RAD.
II. Những điều cần lưu ý khi triển khai xét nghiệm sàng lọc tại nơi làm việc
– Như đã đề cập, kế hoạch xét nghiệm đã được triển khai đại trà tại TPHCM như quận 8, Bình Tân, tân Phú, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh… Vì tính chất khẩn cấp của dịch, TPHCM đã ra quyết định sàng lọc 20000 người dân mỗi ngày trên tất cả các quận huyện để thiết lập phương án cách ly nhanh nhất.
– Tại các khu công nghiệp hay nơi làm việc nhỏ lẻ, người sử dụng lao động cũng nên lên kế hoạch cho người lao động để đảm bảo nơi làm việc an toàn khỏi COVID-19. Một số điểm cơ bản cần lưu ý khi tổ chức sàng lọc COVID-19 số lượng lớn như sau:
a) Đối với người sử dụng lao động:
– Lên kế hoạch cụ thể và thông báo với người lao động về kế hoạch xét nghiệm sàng lọc càng sớm càng tốt để họ có sự chuẩn bị tốt nhất và chủ động nhất về mặt sức khỏe và tinh thần.
– Thông báo với các phòng ban và chia ngày giờ xét nghiệm cụ thể, tránh tập trung quá đông nhân viên trong những khung giờ nhất định.
– Nên sử dụng xét nghiệm RAD để đảm bảo có kết quả nhanh, giúp tiết kiệm thời gian và sàng lọc bước đầu nhanh chóng.
– Đối với những nơi chưa tổ chức xét nghiệm sàng lọc, người sử dụng lao động nên thực hiện và khuyến khích chia ca làm việc tại nhà, không tập trung quá đông tại văn phòng, nhà máy…
– Có chính sách hỗ trợ người lao động trong trường hợp phải tạm dừng công việc vì phải cách li COVID-19.
b) Với người lao động:
– Nắm rõ thông tin đại chúng, lưu ý lịch trình di chuyển cá nhân và theo dõi sát sao các biểu hiện sức khỏe để khai dịch tễ khi cần thiết.
– Khi tới nơi làm xét nghiệm, đảm bảo ngồi cách xa từ 2m trở lên, hạn chế tiếp xúc và nói chuyện với người bên cạnh. Khi ho hoặc hắt hơi phải che lại bằng khuỷu tay và đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi.
– Sau khi xét nghiệm, nếu có kết quả dương tính, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế để được cách li đúng cách. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục đề cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng vì có thể tại thời điểm lấy mẫu thì triệu chứng bệnh chưa rõ ràng và cần tiếp tục theo dõi thêm.
III. Kết luận
– Nhìn chung, tình hình COVID-19 tại cả nước nói chung và tại TPHCM nói riêng vẫn đang rất căng thẳng và số ca bệnh có xu hướng tăng cao mỗi ngày. Những nơi tập trung dân cư nhiều như các nhà máy xí nghiệp, nơi văn phòng kín và máy lạnh là điều kiện lí tưởng để virus lây lan, từ đó gây khó khăn cho công tác điều tra dịch tễ và công tác phòng chống bệnh.
– Xét nghiệm sàng lọc là việc làm cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động cần chú ý những việc sau để kiểm soát sự lây lan của dịch trong nơi làm việc:
+ sàng lọc
+ giãn cách xã hội: chia ca làm việc, giảm bớt hội họp không cần thiết…
+ tăng cường hệ thống thoáng khí cho văn phòng, nhà máy
+ phối hợp với các cơ sở y tế, cập nhật tình hình dịch tễ để tổ chức xét nghiệm và đăng kí tiêm vaccine cho người lao động
Nguồn: